Ads 468x60px

thiện ác tại tâm

Những hành động thiện ác nhìn kỹ thì không phải tự nhiên mà thành, mà nó được nung nấu trong tư tưởng chúng ta qua những lần “gặm nhấm” của tư niệm thực. Trong duy thức gọi nó là “Tư”, đây là một năng lượng thúc đẩy chúng ta đi đến hành động thông qua khẩu nghiệp hoặc thân nghiệp.
Vì thế trong tu tập không được xem thường những năng lượng không lành như vậy, mà chúng ta phải biết kiểm soát chúng qua một pháp hành nào đó của ta. “Như lý tác ý” là  một cách để chúng ta tránh tạo ra những nghiệp bất thiện cho mình và người. Do vậy, bài pháp thoại “Tứ thực” của Phật thật không thể bỏ qua để thực tập trong trường hợp này. “Bốn loại thức ăn” là thực phẩm của người tu, do vậy cần phải dùng chúng hằng ngày để nuôi lớn thánh đạo của chúng ta.
Trong kinh Pháp cú, phẩm Song yếu Phật đã dạy:
Tâm dẫn đầu các pháp
Tâm làm chủ tâm tạo
Nếu với tâm thanh tịnh
Nói năng hay hành động
An lạc bước theo sau
Như bóng không rời hình
Chúng ta, tự thân ai cũng đã từng kinh nghiệm được chuyện này, vấn đề chúng ta bây giờ là phải làm gì để thoát ra khỏi tình trạng sai sử ấy của Tâm?  Một kinh nghiệm nữa là chúng ta thấy sự ảnh hưởng của tâm không lành ấy lên thân rất mạnh. Khi một năng lượng không tốt có mặt trong ta nó sẽ làm cho thân trở nên mất đi trạng thái an lạc, ngược lại lúc này thân sẽ nặng nề và thụ động. Tâm lý thì thấy hổ thẹn, không tự tin trước mọi người. Chừng đó cho chúng ta thấy ngay thiên đường và địa ngục là có thật hay không thật.
Bốn loại thức ăn mà  phật dạy là: đoàn thực, xúc thực, ý tư thực và thức thực.
Ăn mà không phải để thỏa mãn, thưởng thức mùi vị của thức ăn, với tinh thần ấy người tu dễ dàng không khởi phiền muộn về chuyện ăn uống, thực tập được vậy là người đang thực tập “đoàn thực” mà Phật đã dạy. trường hợp này Phật ví dụ giống như hai vợ chồng đi trên sa mạc nhiều ngày đường, họ không còn gì để duy trì mạng sống bèn phải ăn thịt đứa con thương yêu của họ. Dĩ nhiên thì họ sẽ không còn thấy khoái khẩu khi ăn thịt đứa con của mình, mà chỉ vì trường hợp bất khả khán mà thôi. Qua  ví dụ trên  phật cũng muốn chúng ta trong ăn uống cũng phải thực tập như vậy.
Xúc thực là sự xúc chạm giữa thân thể và các pháp trần. Khi có cảm giác em ái, mềm mại, v.v.v. thì tâm dễ sanh tham dục. Tâm ta như một vết thương chưa lành, khi tiếp xúc với môi trường độc hại thì sẽ làm cho vết thương không những không lành mà còn thêm nghiêm trọng hơn. Trong trường hợp này Phật ví dụ như con bò bị lột da, đi đâu cũng bị con trùng cắn hút máu, đau đớn bứt rứt không cùng. Vì thế thức ăn “xúc thực” cần phải được thực tập như vây.
Tư niệm thực là những dòng suy nghĩ hằng lặp lại nhiều lần, từ đó hình thành nên sức mạnh để đi đến hành động. Nếu ta biết điều mình suy nghĩ là phi pháp thì không nên tiếp tục, vì nếu tiếp tục chúng ta sẽ giống như người biết phía trước là đám cháy mà vẫn cứ lao vào. Đây là điểm vô cùng quan trọng trong tu tập, bản thân tôi đã từng kiểm chứng được những hành vi bất thiện của mình đều được thai ngén từ đây. Tuy nhiên các pháp thiện cũng là tác phẩm của loại thức ăn “tư niệm thực” này. Vì thế  phật mới dạy chúng ta là phải “như lý tác ý” là như vậy.
Thức thực cũng là một loại thức ăn khác của tâm. Giống như một tên trộm bị quan quân bắt đem đến vua và bị hạ lệnh trừng phạt bằng cách để cho người ta đâm qua thân mình hang trăm mũi giáo, thật là đau đớn suốt cả ngày đêm. Trong cuộc sống, chúng ta cũng không khác gì như tên trộm kia, cũng bị hàng trăm tư tưởng bất thiện ngày đêm hành hạ mà ta ít khi biết đến. Nếu thực tập chánh niệm hằng ngày thì chúng ta sẽ thanh lọc được nhiều loại thức ăn không lành, giúp thân tâm chúng ta được thanh tịnh hóa mỗi ngày.
Qua bốn loại thức ăn trên mà Phật đã dạy, chúng ta vẫn thấy toát lên một điểm mấu chót, đó chính là “tâm” của chúng ta. Nếu tâm chúng ta được trang bị bởi một hàng rào chánh niệm thì những loại thức ăn ấy chúng ta lần lần sẽ chọn lọc được để giúp cho thân tâm của ta mỗi ngày được an tịnh hơn.
Chính lẽ đó chúng ta đừng bao giờ xem thường những dòng tư tưởng, chúng ta không biết chọn lọc tư tưởng thì sự lên xuống trong dòng sinh tử không sao tránh khỏi được. Mong sao sự sáng suốt của chúng ta sẽ thường trực trong đời sống tu học của mỗi người. A Di Đà Phật.

0 nhận xét: