Ads 468x60px

KHAI KINH MẠCH -VẬN KHÍ CÔNG



KHAI KINH MẠCH -VẬN KHÍ CÔNG,VIÊN THUỐC
TỰ LỰC GÓP PHẦN ĐIỀU TRỊ BỆNH THẤP KHỚP

Trên thực tế lâm sàng, qua khảo sát những bệnh nhân bị bệnh thấp khớp, ngoài việc điều trị bằng phương pháp châm cứu, bấm huyệt, uống thuốc,chúng tôi nhận thấy những bệnh nhân nào có thiện chí áp dụng thêm phương pháp khai thông kinh mạch, luyện tập đều đặn như đã chỉ dẫn thì thấy mau phục hồi hơn những bệnh nhân không có luyện tập hoặc luyện tập không đều đặn. Không ai có thể hít thở dùm cho ai được, do đó tự luyện tập có thể được xem là viên thuốc tự lực mà nội khí sản sinh ra một cách tự cường, giúp cho việc điều trị bên ngoài (Đông y lẫn Tây y) mau hiệu quả hơn và hiệu quả một cách rõ rệt.
Và đây cũng là lý do mà chúng tôi muốn chọn đề tài này, tìm ra phương pháp giải thích hợp lý để các bạn thấy được sự lợi ích thiết thực, hiểu được tác dụng của từng động tác luyện tập, từ đó mới thích thực hành. Trong thời gian thực hành sẽ thấy có nhiều điều thắc mắc nghi vấn, các bạn sẽ khám phá ra nhiều sự việc hay hơn… thiết nghĩ đây cũng là một sân chơi bổ ích và lành mạnh.

I/     KHAI KINH MẠCH.
-    Day 10 đầu ngón tay,10 đầu ngón chân (để khai thông 12 đường kinh).
-    Khai thông toàn thân (giúp đưa kinh khí theo đường kinh chuyển vào tạng phủ tương ứng ở bên trong).
-    Khai thông các khớp (giúp kinh khí lưu truyền được mạnh hơn đồng thời tránh được sự cố tắc khí ở các khớp).
-    Khai mở luân xa.
-    Điều chỉnh quân bình âm dương.

           * Tại sao phải day 10 đầu ngón tay, 10 đầu ngón chân ?
               Sách NỘI KINH LINH KHU, thiên II, thiên BẢN DU có ghi: << Sở xuất vi tỉnh >> nghĩa là mỗi đường kinh xuất phát từ các tỉnh huyệt. Nếu kích thích các tỉnh huyệt này, các đường kinh sẽ được khai thông. Mà các tỉnh huyệt này đều nằm ở các đầu ngón tay, các đầu ngón chân (hoặc ở lòng bàn chân nếu là đường kinh Thận).
               Kinh(經)là những đường ngang dọc trong cơ thể để dẫn truyền khí đi nuôi toàn thân. Lạc () là những nhánh rẽ để nối kết từ chỗ này qua chỗ khác. Hệ kinh lạc khi nối lại thì đi hết toàn thân, trong đó nước mới có khả năng dẫn truyền được kinh khí trong cơ thể.
    Mỗi cơ thể có 6 đường kinh âm (Phế, Tâm, Tâm bào, Tỳ, Can, Thận) và 6 đường kinh dương (Đại trường, Tiểu trường, Tam tiêu Vị, Đởm, Bàng Quang). Mỗi một đường kinh thì có một ngũ du huyệt gồm: Tỉnh, Huỳnh (Vinh), Du, Kinh, Hợp, là 5 huyệt có tác dụng lưu chuyển vận hành.

                                  Ngũ du           Tỉnh    Huỳnh  Du     Kinh   Hợp   
                                  Kinh âm         Mộc    Hỏa      Thổ    Kim   Thủy
                                  Kinh dương    Kim     Thủy    Mộc   Hỏa    Thổ
           Đây là ý nghĩa lưu hành vận chuyển kinh mạch của con người phỏng theo sự vận hành của dòng nước thiên nhiên.
Ø  Sở xuất vi tỉnh : nơi xuất phát kinh khí của mỗi đường kinh.
Ø  Sở lưu vi vinh : nơi kinh khí lưu chuyển đi qua.
Ø  Sở chú vi du : nơi kinh khí từ bên ngoài rót vào các đường kinh.
Ø  Sở hành vi kinh : nơi kinh khí thịnh lưu nhất, là con đường mở rộng để đưa kinh khí đi khắp nơi.
Ø  Sở nhập vi hợp : nơi kinh khí đi dến chỗ cuối để từ đó chuyển vào các tạng phủ cơ quan bên trong, cũng là nơi tà khí và chính khí có thể đi ra hoặc đi vào.
              Chúng ta có đường kinh khí: khởi phát là tỉnh rồi chạy qua vinh (huỳnh), đổ vào huyệt du, lưu hành ở kinh, tụ lại ở hợp. Ngũ du huyệt chỉ ở đầu các ngón tay, ở đầu các ngón chân và ở các khớp lắc lẽo mà thôi. Do đó trước hết bạn tập day các tỉnh huyệt đồng nghĩa với tập khai thông 12 đường kinh bằng cách day 10 đầu ngón tay, 10 đầu ngón chân (mỗi ngón 10 lần).

           * Tại sao phải khai thông toàn thân?
             Sách NỘI KINH LINH KHU, thiên II, thiên CỬU CHÂM THẬP NHỊ NGUYÊN có ghi: “Kinh khí con người mạnh nhất ở tiết quan tiết ”. Tiết là khớp, quan là cửa ải. Cửa ải nằm ở giữa 2 khớp, vì vậy Quan (lóng ngón tay sát mu bàn tay) là nơi tập trung kinh khí mạnh nhất của mỗi đường kinh. Do đó khai thông ở Quan với ý nghĩa xông pha vào cửa ải, có tính cách mạnh mẽ để lưu thông kinh khí.
                 Cách thực hiện : 
 Bốn ngón tay bên trái ( trỏ, giữa, áp út, út) đặt ở mặt dưới ngón tay út bên phải, ngón tay cái bên trái đặt ở mặt trên (tương ứng với phần Quan) của ngón tay út bên phải. day đẩy lên 10 lần. làm tuần tự từ ngón tay út đến ngón tay cái bên phải rồi chuyển qua làm tuần tự từ ngón taycái đến ngón tay út bên trái, mỗi ngón day đẩy lên 10 lần.
 Động tác này giúp đưa kinh khí theo đường kinh chuyển vào tạng phủ tương ứng bên trong một cách mạnh mẽ, làm tăng chức năng tạng phủ, khí huyết từ đó được nuôi dưỡng, nên gọi là khai thông toàn thân.

          * Tại sao phải khai thông các khớp?
            Khai thông các khớp là để giúp dẫn kinh khí lưu truyền được mạnh hơn, ngoài ra các khớp còn được ví như những ngã tư đường. Chúng ta thường bị kẹt xe ở các ngã tư, ngã ba chớ không kẹt ở đường trường. Do đó nếu không khai thông các khớp thì sớm muộn gì cũng sẽ bị sự cố tắc khí gây đau nhức, tê mỏi, thoái hóa xương khớp, thậm chí liệt cơ…, tổn thương, làm giảm khả năng vận động, từ đó giảm năng suất lao động.
                              Luyện tập các khớp được tuần tự như sau:
                                                      Ở TAY :
- Khớp ngón tay: co và duỗi 10 ngón cùng một lúc. (10 lần).
- Khớp cổ tay: vểnh lên cụp xuống (10 lần), xoay ra (10 lần), xoay vào (10 lần).
- Khớp khuỷu tay: gập khuỷu tay vào và duỗi thẳng ra (10 lần).
- Khớp vai: gập khuỷu tay lại rồi xoay tròn vai về phía trước (10 lần), xoay tròn vai về phía sau (10 lần).
- Khớp cổ: gồm 6 động tác: 1/ cúi đầu xuống, 2/ ngửa mặt lên, 3/ trả cổ về vị trí thẳng đứng,     4/ ngả cổ sang bên phải, 5/ ngả cổ sang bên trái, 6/ trả cổ về vị trí thẳng đứng (10 lần). Xoay cổ sang bên phải (10 lần), xoay cổ sang bên  trái (10 lần).

                                                           Ở CHÂN :  (ngồi chống 2 tay ra phía sau)
-  Khớp ngón chân: ngửa các ngón chân lên rồi gập xuống (10 lần).
- Khớp cổ chân: ngửa cổ chân lên rồi gập xuống (10 lần),xoay tròn cổ chân ra ngoài (10 lần), xoay tròn cổ chân vào trong (10 lần).
-  Khớp gối và khớp háng: xoay vòng tròn chân phải ra phía ngoài (10 lần), vào trong (10 lần),không để gót chân và ngón chân chạm sàn nhà.Chân trái cũng vậy.
-  Khớp hông và cột sống lưng: ngồi xếp bằng, 2 tay bấu chặc vào 2 đầu gối, thân xoay vòng tròn bên phải (hết mức tối đa, 10 lần), xoay vòng tròn bên trái (hết mức tối đa, 10 lần), đầu và cổ vẫn giữ yên không xoay, mắt vẫn nhìn thẳng về phái trước.

             Khai thông các khớp như trên là đủ để góp phần điều trị bệnh thấp khớp (có thể tập thêm những bài tập thể dục mà bạn biết như dich cân kinh…), nhưng muốn tăng thêm sức mạnh dẻo dai hoặc nếu có khả năng luyện tập, bạn nên tập khí công. Nhưng trước khi tập khí công cần phải khai mở luân xa.

Tại sao phải khai mở luân xa ?
   Chúng ta hãy tưởng tượng nếu vùng sông nước nào bị mưa rơi xuống nhiều mà các kênh rạch không có lối thoát thì nước đó sẽ đọng lại thành vũng, thành ao nước tù lâu ngày sẽ bị bẩn. Cũng vậy, năng lượng của vũ trụ rất mạnh mẽ và vô tận, nếu đón nhận những năng lượng này mà không có sự chuẩn bị trước, có nghĩa rằng các kinh lạc trong cơ thể chưa được khai thông, các luân xa chưa được khai mở, có thể xảy ra hậu quả là nguồn năng lượng tràn vào mà không có lối thoát, thân dễ bị chao đảo (còn gọi là hiện tượng tẩu hỏa nhập ma).
 Theo các nhà nghiên cứu, trong cơ thế con người chúng ta có một số đại huyệt có thể tiếp nhận một cách dễ dàng nguồn năng lượng từ bên ngoài vào, và các đại huyệt này được gọi là LUÂN XA. Nó có đặc tính như một bánh xe quay, tạo ngưồn năng lượng nên có sức hút hấp dẫn, và người ta khám phá được 7 luân xa gồm: luân xa 1 (vùng hội âm, giữa hậu môn và bộ phận sinh dục), luân xa 2 (vùng dưới rốn trên xương mu, còn gọi là Đan điền), luân xa 3 (vùng trên rốn dưới xương ức), luân xa 4 (vùng ngực phổi), luân xa 5 (vùng yết hầu), luân xa 6 (vùng mắt),  luân xa7 (vùng đỉnh đầu).
               Bảy luân xa là nơi dễ dàng tiếp nhận nguồn năng lượng vũ trụ từ bên ngoài đưa vào cơ thể. Vì vậy chúng ta cần phải học cách khai mở luân xa (trước khi bước vào khí công), Lúc đầu luyện tập chí là hé mở, sự luyện tập lâu dài mới mở hết được.
Phương pháp luyện tập:
Luân xa 1:
          Nhíu hậu môn rồi buông ra (10 lần). Kích động để mở luân xa 1.
Luân xa 2:
          Xoay mông cùng chiều kim đồng hồ (10 lần), ngược chiều kim đồng hồ(10 lần). Khi mông xoay thì vùng trường cường cũng xoay theo, mở được luân xa 2.
Luân xa 3:
          Hai tay cầm một khúc cây đưa thẳng ra phía trước, cốt giữ cho cột sống lưng thẳng đứng để kinh khí đi lên mà không bị vướng mắc, sau đó nhảy lên(10 lần)
          Khi nhảy chân đạp xuống đất dội ép vào vùng bụng dưới sẽ mở được luân xa 3.
Luân xa 4:
          Kê gối ôm ở phía sau lưng (ngang vùng ngực) đẩy lên đẩy xuống theo vách tường, gối lăn tròn theo luân xa 4, kích thích mở được luân xa 4.
Luân xa 5:
          Hai tay chống nạnh cúi đầu xuống ngẩng đầu lên đồng thời há miệng phát âm tiếng A thật lớn (10 lần) để kích động luân xa 5.
Luân xa 6:
          Nhắm mắt lại rồi mở mắt đồng thời nhướng chân mày lên tối đa (10 lần), kích động để mở luân xa 6.
Luân xa 7:
          Tay trái chống nạnh, lòng bàn tay phải chà vòng tròn sát đầu theo chiều kim đồng hồ. Lúc đầu tập đụng tay sát đầu, lâu dần để tay lên cao, tay càng cao sức hút của luân xa 7 càng mạnh, nhưng bước đầu tập xoa sát đầu để kích thích trực tiếp huyệt Bá hội. Tay chống nạnh là để giữ vai cho thẳng, cổ thẳng thì luồng kinh khí mới chạy lên được, nếu không thẳng, khí sẽ bị chèn ép. Do đó khi chống nạnh có nghĩa là thân phải thẳng.

*  Tại sao phải điều cỉnh quân bình âm dương ?
 Sau khi đã khai thông được các kinh mạch, các luân xa, chúng ta cũng cần và nên điều chỉnh quân bình âm dương trong cơ thể để tránh tình trạng âm nhiều quá hoặc dương nhiều quá sẽ gây bệnh tật cho cơ thể (theo Đông y, bệnh tật được định nghĩa là tình trạng âm dương mất quân bình).
Cách điều chỉnh quân bình âm dương như sau:
             Tư thế ngồi: ngồi theo kiết già hoặc bán già đều được, mắt mở bình thường, hơi nhìn xuống một góc 45 độ, ngửa hai bàn tay lên, bàn tay phải (thuộc âm) được đặt lên bàn tay trái (thuộc dương), 2 đầu ngón tay cái chạm vào nhau, ngậm miệng lại, đẩy cuống lưỡi (thuộc mạch Nhâm) lên vòm họng trên (thuộc mạch Đốc). Mạch Nhâm chạy ở trước bụng mạch Đốc chạy sau lưng, bạn hít một hơi vào tưởng tượng kinh khí đang luân chuyển từ miệng theo mạch Nhâm từ từ xuống cho tới hậu môn, nhíu hậu môn một cái để dẫn đường kinh khí từ mạch Nhâm chuyển sang mạch Đốc ở chót xương cụt, thở ra, tiếp tục tưởng tượng dẫn kinh khí theo cột sống lưng lên đỉnh đầu chuyển xuống vùng nhân trung, rồi hít một hơi vào như ban đầu…thực hiện như vậy 10 lần hoặc đến khi hết mệt mới ngưng (để chuẩn bị bước vào tập khí công).
               Mạch Nhâm có nhiệm vụ quản lý các đường kinh âm, mạch Đốc quản lý các đường kinh dương. Âm dương là hai hệ chi phối toàn thể cơ thể con người, giống như nguồn điện nếu không có cực âm hoặc không có cực dương thì sẽ không vận hành được các máy móc, thiết bị.

II/    VẬN KHÍ CÔNG
*   Khí công là gì?
               Khí công là dùng công sức bằng hơi thở để vận khí, dùng sức mạnh vô hình nằm trong cơ thể con người để tổng hợp thành sức mạnh bên trong, điều hòa công năng của ngũ tạng lục phủ, làm cho hệ thống kinh lạc được thông suốt, khí huyết trở nên dồi dào, mối quan hệ trên dưới trong ngoài càng thêm gắn bó để cơ thể con người thích nghi tốt hơn đối với mọi biến đổi của môi trường bên ngoài.
                        
           *  Cách thực hiện.
1)  Vận công:
                 Chọn một nơi yên tịnh, bạn có thể ngồi xếp bằng (kiết già hoặc bán già) hoặc ngồi trên ghế thòng chân xuống, đầu cổ vai lưng thật thẳng, không dựa tường hoặc dựa ghế, hai bàn tay để lên đùi, lòng bàn tay ngửa lên, mắt hơi nhìn xướng (hoặc nhắm mắt), đẩy cưống lưỡi lên cho chạm vào nóc vòm họng trên, giống như một cầu dao điện, nếu không có cầu chì nối hai cực âm và dương thì dòng điện sẽ không phát sinh được. Cũng vậy, lưỡi thuộc về mạch Nhâm, nếu không đụng vào nóc họng trên của mạch Đốc thì âm dương sẽ không luân chuyển được.
                 Để đạt được hiệu quả, bạn nên luân chuyển kinh khí theo mạch Nhâm, mạch Đốc bằng cách hít một hơi xuống vùng ngực bụng theo các huyệt: Thiên đột, Đản trung, Đan điền, Hội âm (Hội âm là nơi giao tiếp giữa hai mạch Nhâm, Đốc, nhíu hậu môn một cái, khí chuyển qua mạch Đốc, bạn thở ra (miệng vẫn ngậm lại) đẩy khí lên theo cột sống lưng qua các huyệt: Mệnh môn, Tâm du, Đại chùy, Bá hội, Nhân trung. Lúc đầu dùng sức tưởng tượng để dẫn khí đi xuống Nhân trung, nhập vào mạch Nhâm, kinh khí từ mạch Nhâm chuyển lên mạch Đốc đến vòm họng cho chuyển tiếp qua mạch Nhâm… cứ như vậy 7 vòng thì được gọi là một Tiểu chu thiên.
                 Khi tập khá hơn, bạn có thể vận khí giống như trên: 7 vòng  x 7 lần  =  49 vòng, được gọi là một Đại chu thiên. Khi đó kinh khí sẽ lưu chuyển trong cơ thể một cách dồi dào bất tận.
                
                 Công năng chữa bệnh:
                  Bạn mặc niệm liên tục không cho gián đoạn, không cho tạp niệm xen vào nên cơ thể sẽ thanh lọc bằng cách khởi lên sức nóng có chứa trược khí, vận chuyển từ dưới đi lên phía đầu. Sức nóng này sẽ từ từ di chuyển, khi đi ngang các vị trí đang có bệnh thì nó dừng lại và gom góp trược khí nơi đó để đưa ra ngoài theo huyệt Bá hội.
                  Những tiến trình của nó tuần tự tiếp diễn theo quy luật tự nhiên không cần ai can thiệp vào, vì phương pháp thực hành khí công yên lặng này hoàn toàn tuân thủ vào sự vận hành tự nhiên, không có sự tác ý hay thúc đẩy nên rất an toàn cho người tập.                                             

2)     Xả công:
               Sau khi đã vận hành Tiểu chu thiên (Đại chu thiên) xong, bạn xoa mắt 30 lần, xoa mặt 30 lần, xoa theo hình xoắn ốc từ trong ra ngoài. Ở phía trong tay, vuốt dọc từ nách đi ra lòng bàn tay ngón tay; ở ngoài tay, vuốt dọc từ các ngón tay mu bàn tay về phía vai (7 lần). Ở phía ngoài chân, vuốt dọc từ hai bên hông đùi đi ra mắt cá chân ngoài đến các ngón chân; ở phía trong chân, vuốt dọc từ các ngón chân đến mắt cá chân trong lên đến đùi háng trong (7 lần).
               Sau đó, đứng dậy dang hai chân bằng vai, hai tay áp vào hai bên hông, lòng bàn tay ngửa lên, hít vào đồng thời đưa tay lên đến ngang ngực, úp bàn tay lại thở ra từ từ đẩy tay xuống đến đùi thì lại ngửa bàn tay, hít vào … lập lại đọng tác như từ đầu (7-10 lần). Động tác này sẽ giúp đẩy những lưu điện còn tích tụ bên trong hoặc những độc tố còn sót lại thoát ra ngoài khiến cơ thể của bạn trở lại quân bình.
               Nhưng điều tiên quyết là bạn phải thực hành và thực hành một cách đều đặn, trong tinh thần thoải mái, xả bỏ tạp niệm, tránh không nên tập quá sức, chắc chắn bạn sẽ thu được hiệu quả tốt. Ví dụ như bệnh cảm, sẽ không thấy đến viếng thăm bạn thường xuyên. Mà có đến cũng không thể vào được vì bạn đã có một thành trì kiên cố bảo vệ bên ngoài, đó là << VỆ KHÍ >>.

3)     Thu công:
 Thu công có nghĩa là tụ khí về đan điền khiến cho khí không phân tán lung tung trong cơ thể trước khi chấm dứt buổi tập, để dự trữ năng lượng trong ngày.
  Cách thực hiện: dùng ngón tay cái bên phải xoa ở đan điền theo hình xoắn ốc, thuận chiều kim đồng hồ (7-10 vòng).
Trong thời hiện đại, khoa học ngày càng tiến bộ, đời sống con người ngày càng bận rộn, không phải ai cũng có thời gian luyện tập, hoặc quá mệt mỏi đuối sức, người ta không có khả năng khai kinh mạch, vận khí công cùng một lúc, còn nếu cố tập thì càng gây hại cho sức khỏe thêm, vì thế theo kinh nghiệm luyện tập ở bản thân chúng tôi, chúng tôi chia làm hai phần, xin chia sẻ với các bạn sau đây:
Phần 1Khai kinh mạch.
Buổi tối trước khí đi ngủ, tập các động tác khai thông kinh mạch, sau đó điều chỉnh quân bình âm dương, bạn sẽ có được một giấc ngủ sâu và kỳ thật là dậy sớm trong trạng thái tỉnh táo, không nằm nướng.
Phần  2Vận khí công.
            Sáng sớm thức dậy (trạng thái tĩnh tâm thư giãn vẫn được duy trì nhờ giấc ngủ sâu), sau khi vệ sinh xong bạn có thể bước vào tập vận khí công lúc 4 giờ. Cuối cùng là thu khí về đan điền để dự trữ năng lượng trong ngày.

   Tính theo thời khắc sinh học thì tạng Phế vượng vào lúc 3 giờ đến 5 giờ sáng (còn gọi là giờ Dần), tạng Thận vượng vào lúc 5 giờ đến 7 giờ sáng (còn gọi là giờ Mẹo). Phế chủ khí, Thận chủ nạp khí, do đó luyện khí công từ 4 giờ đến 5 giờ sáng cơ thể sẽ dễ dàng hấp thu năng lượng trong lành của vũ trụ, tận hưởng được sức khỏe dồi dào vô tận của thiên nhiên.
    Chúc các bạn thành công.

                                                                                   Lương y: Nguyễn thị Bích Đào
                                                                            Phòng khám Đông y: Nguyên Ngân


                        

0 nhận xét: