Ads 468x60px

Tại sao Chúng ta phải phóng sanh?

Phật dạy: ‘tất cả chúng sanh đều có phật tánh”, vì vậy tất cả đều có thể thành Phật được. Không phải Phật đã từng tuyên bố “ta là phật đã thành, chúng sanh là phật sẽ thành” rồi sao! Vì thế giết chúng sanh là ta giết đi một vị Phật trong tương lai.
Có thể các chúng sanh kia  đời trước cũng đã từng là người, nhưng vì bổn xẻn, tham lam không biết tu thiện, giúp đỡ mọi người vì thế đời này phải chịu loài cầm thú, thủy tộc để đền trả nợ xưa.
Là đệ tử Phật, chúng ta phải đồng cảm và thương yêu, che chở cho chúng. Biết đâu trong số đó có cha mẹ ta kiếp trước?! giết chúng chẳng phải giết nhầm cha mẹ ông bà quyến thuộc của ta sao! Vì thế, chúng ta không những không giết, không bảo người giết mà còn phải phóng sanh nữa. Trước là để sám hối những lỗi lầm trong quá khứ chúng ta đã gây ra đau khổ cho muôn loài, sau là để nuôi lớn Tâm Từ của chúng ta. Tâm từ là thước đo của một người tu học theo Phật. Không có tâm từ, thì cho dù chúng ta có siêng năng tụng kinh lạy Phật cho nhiều thì lợi ích cũng không bao nhiêu. Vì sao? Vì tâm từ là tâm  của chư Phật, chư Bồ tát, không có tâm từ đồng nghĩa với sự tương ưng giữa ta và Phật không có, dù cho có cầu nguyện đủ điều cũng không thể nào có cảm ứng được.
Hơn thế nữa, nếu chúng ta chấm dứt nghiệp sát thì chúng ta đang bắt đầu chấm dứt oán thù đối với chúng sanh trong vô lượng kiếp về sau. Sinh ra nơi nào cũng được khỏe mạnh, sống lâu hơn người, tâm tánh thuần thiện, ai gần gũi cũng thấy vui và bình an. Đó là vì trong tâm họ đã không còn khởi niệm làm tổn hại chúng sanh nữa nên chi ai thân gần cũng cảm thấy bình an! Chúng ta hãy đọc kỹ 4 câu thơ dưới đây:
Ngàn năm qua một bát canh
Oán sâu như biển, hận thành non cao
Muốn hay nguồn gốc binh đao
Hãy nghe lò mỗ tiếng gào đêm thâu
  Nguồn gốc của đao binh là do sự oán thù với nhau được tạo ra bởi nghiệp sát. Sức khỏe và sự may mắn không hẳn là do sinh vào nhà phú quý mới có, mà nó là sự kết tinh của các nghiệp thiện mà nên. Chúng ta thấy có những người sinh vào nhà giàu có nhưng sức khỏe và tuổi thọ còn không bằng người dân lao động. đó là tại sao? Hạnh phúc là thứ nước hoa mà khi ta rưới lên người khác thì ít ra ta cũng được vài giọt chứ đúng không? Nhìn thấy những con vật do ta thả ra, chúng vui mừng hạnh phúc thì sao ta cũng  thấy vui theo! Chúng ta có ai biết câu chuyện “sa di Quân Đề” chưa?
Vào thời Phật còn tại thế, có một chú sa di là đệ tử của ngài Xá Lợi Phất, tên Quân Đề. Vị sa di này tu tập đã chứng thánh quả A La Hán nhưng vẫn không chịu thọ giới lớn (tỳ kheo), Quân Đề vẫn giữ 10 giới sa di để được hầu hạ thầy, báo đền ơn đức của thầy mình là Xá Lợi Phất đã độ cho chú tu hành. Vì kiếp trước của vị sa di này là con chó, con chó này được các thương gia nuôi và rất là yêu quý, họ đi buôn nơi nào cũng dẫn chó theo. Một hôm tất cả đều đi vắng, chỉ còn lại mình chú chó cưng ở nhà, trong lúc đói bụng, chú chó đã ăn sạch đồ ăn của các vị chủ của mình. Khi về đến nơi, thấy vậy không kiềm được tức giận, có một vị đã chặt 4 chân con chó và vứt xuống hố. Khi đó gặp lúc ngài Xá Lợi Phất đi khất thực về, ngài nhìn thấy vậy bèn đem cơm trong bình bát của mình chia cho con chó ấy một phần, ăn xong thì chó đó cũng chết. Nhờ kiếp trước con chó cũng là bậc tu hành, giữ gìn giới luật thận trọng nhưng vì tâm bỏn xẻn nên sau khi chết phải đọa làm thân chó. Sau khi hết kiếp làm thân chó đầu thai lại làm người, lại gặp được tiếp ngài Xá Lợi Phất hướng dẫn xuất gia tu học. Sau khi chứng thánh quả, sa di Quân Đề biết được quá khứ của mình và vô cùng cảm kích ân đức của thầy mình nên đã nguyện trọn đời làm sa di để hầu hạ thầy Xá Lợi Phất.
Câu chuyện trên đã khép lại câu trả lời, với câu hỏi “tại sao chúng ta phải phóng sanh?”. Hy vọng mọi người đều hiểu!

1 nhận xét:

hatgiong nói...

Thầy viết hay quá,mong mọi người hiểu được quy luật cuộc sống.