Ads 468x60px

Thông Điệp "Suối Từ"

Cổ nhân dạy:
“Chung thân  hành thiện, thiện do bất túc
Nhất nhật tạo ác, ác tự hữu dư”.
Cả đời làm thiện, thiện còn chưa đủ. Một ngày làm ác, ác tự có thừa. Còn đức Phật thì dạy:
Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo
Nghĩa là:
Chớ làm các điều ác
Hãy làm các việc lành
Giữ tâm ý thanh tịnh
Là lời dạy chư Phật
May mắn của chúng ta là sinh được làm người và gặp được chánh pháp, đó cũng là nhờ trong quá khứ chúng ta đã gieo trồng căn lành nhiều đời nhiều kiếp rồi. Vì thế hôm nay xin mọi người chớ đoạn mất căn lành ấy, mà phải tiếp tục tưới tẩm cho hạt giống ấy ngày một nảy nở nhiều hơn. Để làm được điều này không gì khác là thực tập lời Phật dạy, ngoài thì phải biết tu phước tích thiện, trong thì phải nghiêm tầm giáo pháp, an trụ trong pháp của Phật để nuôi lớn trí huệ của mình.
Cổ đức có nói:  ăn cơm có canh, tu hành  có bạn. Chúng ta muốn tiến tu thì cần phải có thiện hữu tri thức bên cạnh hầu nhắc nhở, an ủi chúng ta trong những lúc chán chường, đó là những lúc “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”. Sự có mặt của một Tăng thân là rất cần thiết cho chặn đường tu học của một người đệ tử Phật. Không phải nho gia đã nói “sanh ngã giả phụ mẫu, thành ngã giả bằng hữu” đó sao! Người sanh ra ta, cho ta tấm thân này là cha mẹ, song những bằng hữu mới là người giúp mình thành công trong cuộc sống. Chúng ta như những giọt nước giữa đời thường, vì thế không dễ gì chảy ra tận biển khơi được. Không chừng ta sẽ bị bốc hơi trước khi đến biển cũng có thể. Do đó chúng ta phải biết góp những giọt nước của mình lại với nhau để tạo thành dòng chảy mà ra sông ra biển. Vì lẻ đó chúng ta mới xây dựng tăng thân “Suối Từ”, để từ đây chúng ta nguyện nương nhau chảy tận ra đại dương, hòa nhập vào với dòng chảy tâm linh bất tận của chư Phật. Điều này không phải là dị biệt, mới mẻ gì cả mà các Tổ ngày xưa cũng đã từng nguyện như thế, Tổ Quy Sơn thì nói “nguyện bách kiếp thiên sinh, xứ xứ đồng vi pháp lữ”, nghĩa là trãi qua trăm kiếp ngàn đời, sinh ra nơi nào cũng là pháp lữ của nhau.
Cuộc đời này có quá nhiều hoàn cảnh thương tâm, chúng ta là con của Phật thì phải làm gì đó đóng góp vào cuộc đời này chứ! Tịnh độ không phải là vấn đề cá nhân ai, mà nó là một ý thức tập thể. Một cánh én không làm nên mùa xuân. Trong các kinh mà chúng ta đọc qua, cõi Tịnh độ nào của chư Phật cũng có hằng hà sa số Bồ Tát làm quyến thuộc mà không phải chỉ có mỗi mình đức Phật Dược Sư hay Phật Di Đà. Đó là điều hiển nhiên để tồn tại một Tịnh độ.
 Không nằm ngoại lệ đó, “Suối Từ” muốn tồn tại và phát huy sức mạnh của mình để đóng góp mỗi ngày một nhiều hơn cho đời thì cá nhân mỗi người phải có thiện chí và cùng tâm nguyện. Nếu không đồng thanh ta sẽ không tương ứng, mà không tương ứng thì sẽ có sự cố cho sức chảy của dòng sông.
Tinh thần tu học của chúng ta phải thể hiện qua cuộc sống thì mới thiết thực, chúng ta đừng lầm tưởng sự đau khổ hay vui buồn của tha nhân thì có ảnh hưởng gì đến sự an vui của ta. Thật ra sự an vui của ta là phụ thuộc rất nhiều vào việc làm hằng ngày của mình tác động lên tha nhân đấy. Nếu không như thế thì Bồ Tát không bao giờ lấy chúng sanh làm Phật sự cả. Muốn thành Phật quả thì chúng sanh là một “môi trường” để một vị Bồ Tát phát huy hết đại nguyện của mình. Đó chính là tinh thần vô ngã, vị tha của một hành giả có tâm nguyện thành Phật.
Nhân nào quả nấy, đó là phạm trù tất nhiên của cuộc đời. Vì thế chúng ta muốn biết quả vị lai của mình ra sao thì hãy xem lại việc làm trong kiếp này. Nếu không muốn đón nhận một quả bất thiện thì hãy bắt đầu từ đây, bắt đầu với “Suối Từ” của mình mà tìm về với chơn tâm Phật tánh.

A Di Đà Phật, chúc mọi người luôn an vui trong ánh từ quang của mười phương chư Phật và mỗi ngày tâm bồ đề của mình ngày một lớn mạnh hơn.
                                                                                                                             Thích Hạnh Đạo
                                                                      

0 nhận xét: