Ads 468x60px

ĐIỆU HỔ LY SƠN

Có lẻ chúng ta ai cũng biết “điệu hổ ly sơn” là một kế trong binh pháp mà người ta dùng để dụ địch ra khỏi vùng an ổn, từ đó đưa địch vào tròng theo ý muốn của mình.
Nhưng đó là chuyện của nhà binh, còn chuyện của nhà tu là có dùng được kế đó vào trong đời sống của mình hay không!Điều này nếu dùng nhãn quan của Phật lý, chúng ta có thể hiến kế này cho những ai thích mạo hiểm trong lộ trình chuyển hóa những tập khí sinh tử của mình.
Sở dĩ chúng ta phải dùng phương kế “điệu hổ ly sơn” là vì chúng ta biết “hổ ly sơn hổ bại”. Cùng lý lẻ đó, trong tâm chúng ta cũng có những mảnh hổ rất ư là cang cường, nếu chúng ta muốn điều phục chúng mà cứ để chúng nằm yên nơi sơn lâm cùng cốc thì quả thật nan giải vô cùng. Vì thế chúng ta cũng cần dụ chúng thức dậy, ra khỏi nơi bình yên của chúng để từ đó chúng ta thực hiện kế sách của mình.
Những mãnh hổ đó là Tham, SânSi. Chúng có mặt trong ta qua rất nhiều hình thái khác nhau, vì vậy cần phải nhận diện chúng kịp thời một khi chúng xuất hiện..
Có khi những tưởng ta cần phải để cho chúng nằm yên, bất động, nhưng cũng có khi chúng ta phải “xúc tác” cho chúng thức dậy để dễ dàng nhận diện chúng hơn. Trong thiền quán chúng ta có 2 phần, là ChỉQuán. Có những khi ta phải dùng phương pháp Chỉ, có khi ta phải dùng Quán, có lúc dùng cả hai. Nói chung giữa 2 phương pháp đó cần phải được quân bình nhau trong lúc tu tập.
Môi trường là một gia lực cho sự thực tập của chúng ta, tùy theo hoàn cảnh thực tế mà ta có thể áp dụng cho phù hợp, nhất là môi trường nơi phố thị. Với môi trường này chúng ta dễ dàng thấy được cái tâm của mình nó như thế nào (chủ yếu là những tâm hành thô), có còn bị duyên trần ràng buộc hay không, nhiều hay ít…hay nói khác đi ta có phải thật thánh hay là phàm phu, để từ đó chúng ta tiếp tục gia công trong tu tập. Thường thì ở một môi trường ít có sự cám dỗ của xã hội tâm chúng ta yên tĩnh hơn rất nhiều và nhờ vậy chúng ta cũng dễ tu hơn. Tuy nhiên cũng có khi vì hoàn cảnh tốt đẹp đó mà chúng ta không khéo dễ bị ngộ nhận, lầm tưởng là mình đã thoát khỏi sự trói buộc của những cám dỗ, hấp lực với đời sống. Nhưng một mai khi gặp cảnh, đối duyên thì mới vở lẽ ra rằng những tập khí năm xưa vẫn chưa lay chuyển chút nào. Cũng như câu chuyện của vị thiền sư và chú tiểu nọ: Ròng rả ở trên núi mười mấy năm, một ngày kia hai thầy trò có việc nên phải xuống núi, khi về tới đồng bằng thì chú tiểu lại vướng mắt nơi một bóng hồng, mãi đến khi về lại núi vẫn không sao quên được sự kiều diễm của cô gái nơi phố thị, nào mái tóc dài óng ả, với nụ cười tươi như hoa, và còn cả dáng đi nữa…ôi! Tối lại Tiểu thầm hỏi “người ơi gặp gỡ làm chi, trăm năm biết có duyên gì hay không?”.
Từ một chút chuyện vui, nhưng ta cần phải nghiệm xét lại giá trị của một môi trường sống, sự tịch tĩnh cô liu hay ồn ào phố thị chúng điều có lý lẻ cho chúng ta áp dụng trong tu tập cả. Theo tinh thần “phật pháp là bất định pháp” thì chúng ta không nên câu nệ quá nhiều về một hình thái nào, cái chính yếu là ta cần phải tận dụng tốt được những gì trong cuộc sống chúng ta mà thôi. Đó là sự uyển chuyển trong tu tập mà không phải bị lệ thuộc vào định kiến cá nhân của mình. Một hoàn cảnh sống mà xem như “vô trùng”, không ai sách nhiễu mình, không ai sai khiến mình, mình là vua một cõi thì thật khó cho ta nhìn nhận hết tâm hành còn đang  chìm sâu trong tâm thức của mình. Vì sao? Vì các tâm hành cũng cần có duyên mới phát khởi, hiện hành. Cũng như câu chuyện sau chứng minh cho ta thấy được sự cần thiết của “duyên” để cho một tâm hành xuất hiện.
Có một anh đạo hữu nọ khi được nghe thầy giảng về chữ Nhẫn (忍):nhẫn một chút sóng yên gió lặng, lùi một bước biển rộng trời cao…anh về nhà bèn phát tâm tu nhẫn (忍)để chuyển hóa sóng gió của mình, bằng cách trong nhà nơi nào anh cũng dán chữ nhẫn(忍) để nhắc nhở mình trong thực tập.Vào một ngày kia anh bạn qua chơi nhà và hiểu được dụng ý của gia chủ bằng cố tình thử, đến chỗ nào thấy chữ nhẫn anh cũng tỏ vẻ lạ lẫm và hỏi đây là chữ gì? Trả lời được câu hỏi thứ 3,đến câu hỏi thứ 4 chủ nhà không nhẫn được và quát lên như thể nói chuyện với con mình: anh quẩn trí hay sao mà không phân biệt được chứ, chúng đều là một chữ (忍)cả !!!....đến đây mới thấy được thật giả phải không bạn?!
Cũng vậy đấy, chúng ta dễ nhầm mình là ông thánh nhỏ khi sống nơi sơn lâm cùng cốc, nơi mà chỉ có bóng cây làm nhà, tiếng chim làm nhạc, thú rừng làm bạn mà thôi. Vì vậy cũng cần lắm những lần va chạm với một đời sống tưởng chừng như đầy cám dỗ để biết thêm những bí ẩn về mình. Những lần như vậy là những lần ta xem như dụng kế “điệu hổ ly sơn” của mình, nếu hổ về đồng bằng mà không phá hại hoa màu, ngô khoai, không làm khổ đau cho mọi người thì coi như ta thành công. Bèn không như ý, nó vẫn bất phục thì đó là cơ hội để ta tiếp tục chinh phục chúng  vậy.