Ads 468x60px

Tính Thực Dụng Của Kinh TỨ NIỆM XỨ


Tính Thực Dụng Của Kinh TỨ NIỆM XỨ trong Cuộc Sống
Khi nói về Thiền, những hành giả chân chánh không sao có thể bỏ qua bài kinh Tứ niệm xứ mà Phật đã từng dạy cho hàng đệ tử khi ngài còn tại thế.
Và đó cũng là ngưỡng cửa mà một hành giả phải bước qua trước khi thực chứng vào cảnh giới tịch tỉnh của Niết bàn. Để khẳng định giá trị của kinh tứ niệm xứ trên lộ trình giải thoát Đức Phật đã khẳng định rằng: “Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Đó là Bốn Niệm xứ”. *Đó là con đường gần gũi trong cuộc sống của chúng ta, không quá mơ hồ hay trừu tượng mà là thiết thực ngay trong hiện đời này, đó là Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Đây là 4 đối tượng cần được giác tri, rõ biết ngay đây và trong kiếp này.
Xét về phương diện thực tập thì Tứ niệm xứ không phải quá khó cho những ai muốn tắm mình trong dòng suối an tịnh của giáo pháp, chỉ có 4 đối tượng để một hành giả trú tâm trên ấy, đó là Thân, Thọ, Tâm và Pháp. Xét về nội dung thì thật phong phú, giàu có để thích ứng với từng căn tánh của hành giả trong khi tu tập.
Đức Thế Tôn dạy: “Thế nào là bốn? Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.”
Con người được tạo bởi 2 phần là DanhSắc, vì thế chư Tổ sư thường dạy nếu rời thân ngũ uẩn này để tìm giác ngộ thì thật không thể được. Ngược lại chúng ta phải biết nương tựa nơi “hải đảo tự thân” để tu tập, tức là thân ngũ uẩn này vậy. Đối tượng tu tập trong kinh Niệm Xứ tuy chỉ có Thân, Thọ, Tâm và Pháp nhưng giàu có vô cùng. Từ 4 đề  mục này mà khai thác sâu vào thế nào một hành giả nhiệt tâm cũng tìm thấy của báu cho mình. Từ bài kinh này có người lại chuyên sâu về quán Thân, có người quán Thọ, có người quán Tâm và có người thì quán Pháp
Quán Thân, Thọ, Tâm, Pháp là thế nào?
·   Quán thân: Đề mục này gồm có 6 phương pháp quán niệm: quán hơi thở, quán các oai nghi, quán các hành tướng của thân, quán các thân phần, quán vị trí các giới trên thân và quán thi thể.
Trong bối cảnh xã hội ngày nay, đặc biệt là xã hội Tây phương, sự vội vàng trong cuộc sống đã là một vòng xoáy làm cho con người trở nên căng thẳng, bất an và có khi tệ hại hơn là đưa đẩy con người vào con đường tự vẫn vì không tìm được lối thoát cho chính bản thân mình. Trước tình trạng đó các nhà tâm lý trị liệu đã sớm bắt tay vào nghiên cứu và áp dụng Thiền vào cho các bệnh nhân và khuyến cáo mọi người thực tập thiền trong đời sống thường nhật, mục đích là để giảm Stress, làm quân bình trong cuộc sống của chính họ. Đối với những trường hợp này họ chỉ áp dụng chủ yếu vào quán Thân và Thọ mà thôi. Điều này nói lên sự thiết yếu của những gì Phật dạy trong bài kinh Niệm Xứ này, tùy theo mục đích, mong muốn mà con người  có thể khai thác “tài nguyên” trong kinh tùy theo trình độ của mình.
Con người thường dễ buông xuôi cho vận mệnh, nhất là khi gặp khó khăn thì lại bi quan, chán chường mặc cho dòng chảy cuộc đời đưa đẩy. Nói theo cách của Nguyễn Du là: “cũng đành nhắm mắt xuôi tay, mặc cho con tạo xoay vần đến đâu” là ý này vậy.
Riêng quán hơi thở thì kinh “ An ban thủ ý” lại chia ra 16 hơi thở, mỗi 4 hơi thở lại tương ưng với 4 đề tài của kinh Niệm xứ này. Hầu hết trong sự tu tập, các hành giả đều lấy hơi thở làm công phu cho chính mình, khi hơi thở có chánh niệm thì phẩm chất của hơi thở được cải thiện rất nhiều, cũng từ đây thể chất của hành giả cũng thấy có sự biến đổi rất nhiều về sắc diện cũng như sự khinh an. Hơi thở như một nhịp cầu nối liền giữa thân và tâm, đưa thân và tâm trở về trạng thái nhứt như của niệm và định. Chính vì thế mà đối với những hành giả khi khởi sự thiền tập đều được dạy quán sổ tức hoặc tùy tức để chế ngự sự loạn động của tâm. Đoạn kinh sau thyết minh cho điều ấy:
 “Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt. Tỉnh giác, vị ấy thở vô; tỉnh giác, vị ấy thở ra. Thở vô dài, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở vô dài"; hay thở ra dài, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở ra dài"; hay thở vô ngắn, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở vô ngắn"; hay thở ra ngắn, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở ra ngắn". "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập; "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập; "An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập; "An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. Này các Tỷ-kheo, như người thợ quay hay học trò người thợ quay thiện xảo khi quay dài, tuệ tri: "Tôi quay dài" hay khi quay ngắn, tuệ tri: "Tôi quay ngắn". Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thở vô dài, tuệ tri: "Tôi thở vô dài"; hay thở ra dài, tuệ tri: "Tôi thở ra dài"; hay thở vô ngắn, tuệ tri: "Tôi thở vô ngắn"; hay thở ra ngắn, tuệ tri: "Tôi thở ra ngắn". "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập; "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập; "An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập; "An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập; Như vậy, vị ấy sống quán thân trên nội thân hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân; hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. "Có thân đây", vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy không nương tựa, không chấp trước vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.”
Với phương pháp quán niệm hơi thở như trên, khi thực tập nhuần nhuyễn chúng ta có thể chuyển đổi được những cảm xúc từ tiêu cực thành tích cực. Khi có một cảm thọ bất an, một người khéo tu tập họ sẽ biết trở về với hơi thở chánh niệm, họ an trú trong hơi thở, theo giỏi hơi thở vào ra một cách chú tâm, thực tập như vậy khoảng chừng trong vài phút thì những cảm thọ khó chịu sẽ lắng dịu dần. cánh quán niệm hơi thở này ta thấy liên quan đến phần cảm thọ, điều này cho thấy giữa Thân và Thọ có sự tương quan mật thiết với nhau. Dĩ nhiên thì lĩnh vực Tâm và Pháp cũng không nằm ngoài sự tương quan này.
Trong luận Chỉ Quán, ngài Trí Giả Đại sư cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của “hơi thở”, đó là phương tiện để tu chỉ có kết quả nhanh nhất. Luận nói: “nếu điều khiển cái tâm được tinh tế, khiến cho hơi thở ở trạng thái nhỏ nhiệm, hơi thở được điều hòa thì các bệnh chẳng sanh, tâm của hành giả dễ được an tịnh”(trích trong Tu Tập Chỉ Quán Tọa Thiền Pháp Yếu- Hòa Thượng Thích Hoàn Quang dịch, trang 76). Chính vì giá trị to lớn ấy mà có một bài kinh Phật chỉ bàn thuần về hơi thở. Đó là kinh “An Ban Thủ Ý”, trong kinh này Phật dạy 16 hơi thở tương thích với 4 đề mục của kinh Niệm Xứ. Điều này cho thấy giữa thân và tâm cần bắt một nhịp cầu và nhịp  cấu đó không gì khác chính là “hơi thở”. Với chừng này thôi, các nhà tâm lý trị liệu Tây phương đã áp dụng khá thành công vào công việc điều trị cho những bệnh nhân stress của họ. Những nạn nhân tự tử là do trong một khoảnh khắc nào đó họ bị bế tắt để cho tâm trạng rơi vào tuyệt vọng và họ coi như không còn lối thoát, với họ lúc này chỉ có “chết” là thượng sách. Nhưng nếu họ là những người đã từng thực tập về cách thở có chánh niệm thì ngay lúc đó họ lập tức thiết lập hơi thở có ý thức và để ý đến sự phồng xệp của vùng bụng khi thở thì chắc chắn họ sẽ thoát được cảm xúc ngột ngạt như thể không chịu nổi ấy vài phút sau đó, và dĩ nhiên là cái “chết” sẽ không đến với họ. Có người ví cảm xúc như một trận cuồng phong và sẽ quét đi những cây yếu ớt khi nó đi qua, nhưng với những cây cổ thụ thì không sao lay chuyển được. Cũng vậy, hơi thở có chánh niệm cũng giống như cây cổ thụ kia, khi giông tố đến, hơi thở được trụ nơi đan điền một cách chánh niệm thị cơn bảo cảm xúc kia không sao có thể phá hoại ta được. Khi làm việc liên tục hoặc căng thẳng một vấn đề gì, chúng ta chỉ cần nằm xuống và thả lỏng toàn bộ cơ thể, để ý hơi thở vào và ra, làm như vậy liên tục 5 đến 10 phút thì sự căng thẳng kia sẽ không còn nữa, có khi ta thíp vào giấc ngủ lúc nào cũng không hay.
Đề mục quán thân này gồm có 6 phương pháp quán niệm, với  phương pháp quán niệm hơi thở giúp ta bước đầu đều hòa được thân tâm, quân bình lại trong cuộc sống. Năm phương pháp còn lại giúp ta cảm nhận và hiểu sâu sắc hơn về cơ thể ngũ uẩn của mình để từ đó đoạn trừ lòng ham muốn và chấp thủ của mình. Đoạn kinh sau đây Đức Phật nói đến sự bất tịnh của một cơ thể mà chúng ta cần biết để phá bỏ lòng tham ái về sắc thân ngũ uẩn của mình và người:
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán sát thân này, dưới từ bàn chân trở lên, trên cho đến đảnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt. Trong thân này: "đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận, tủy, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm (niêm dịch), mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mủ, nước ở khớp xương, nước tiểu". Này các Tỷ-kheo, cũng như một bao đồ, hai đầu trống đựng đầy các loại hột như gạo, lúa, đậu xanh, đậu lớn, mè, gạo đã xay rồi. Một người có mắt, đổ các hột ấy ra và quán sát: "Đây là hột gạo, đây là hột lúa, đây là đậu xanh, đây là đậu lớn, đây là mè, đây là hột lúa đã xay rồi". Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo quán sát thân này dưới từ bàn chân trở lên, trên cho đến đảnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt. Trong thân này: "đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mủ, nước ở khớp xương, nước tiểu". Như vậy, vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân, hay sống quán thân trên nội thân, ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. "Có thân đây", vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.”
… “Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa một ngày, hai ngày, ba ngày, thi thể ấy trương phồng lên, xanh đen lại, nát thối ra. Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy". Như vậy vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên nội thân, ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. "Có thân đây", vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa, bị các loài quạ ăn, hay bị các loài diều hâu ăn, hay bị các chim kên ăn, hay bị các loài chó ăn, hay bị các loài giả can ăn, hay bị các loài côn trùng ăn. Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản chất là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy". Như vậy vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên nội thân, ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. "Có thân đây", vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.
Này các Tỷ-kheo, lại nữa, Tỷ-kheo như thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa, với các bộ xương còn liên kết với nhau, còn dính thịt và máu, còn được các đường gân cột lại... với các bộ xương còn liên kết với nhau, không còn dính thịt nhưng còn dính máu, còn được các đường gân cột lại... với các bộ xương không còn dính thịt, dính máu, còn được các đường gân cột lại, chỉ còn có xương không dính lại với nhau, rải rác chỗ này chỗ kia. Ở đây là xương tay, ở đây là xương chân, ở đây là xương ống, ở đây là xương bắp vế, ở đây là xương mông, ở đây là xương sống, ở đây là xương đầu. Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy". Như vậy, vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên nội thân, ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay vị ấy sống quán tánh diệt tận trên thân; hay vị ấy sống quán tánh sanh diệt trên thân. "Có thân đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì ở trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.
Lại nữa này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa, chỉ còn toàn xương trắng màu vỏ ốc... chỉ còn một đống xương lâu hơn ba năm... chỉ còn là xương thối trở thành bột. Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy". Như vậy vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên nội thân, ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. "Có thân đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.”
·      Quán thọ: Thọ là những trạng thái của tâm, gồm có Lạc Thọ, Khổ Thọ Xả Thọ. Con người phần lớn không làm chủ hết cảm thọ của mình, để cho niềm vui, nổi buồn len lỏi vào tâm rồi sai xử chúng ta hành động theo tâm trạng đó. Cụ Nguễn Du diễn tả sự không làm chủ đó như sau:
“Chơi cho cỏ chán hoa chê
Cho lăn lóc đá, cho mê mẫn đời”
Khi một hành giả sống chánh niệm thì các cảm thọ đều được quản lý khiến những năng lượng tiêu cực không có cơ hội phát sanh, vì thế họ luôn được nuôi dưỡng trong sự bình an của tâm thức. Đức Phật dạy:
Này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo sống quán thọ trên các thọ? Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo khi cảm giác lạc thọ, tuệ tri: "Tôi cảm giác lạc thọ"; khi cảm giác khổ thọ, tuệ tri: "Tôi cảm giác khổ thọ"; khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ, tuệ tri: "Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ". Hay khi cảm giác lạc thọ thuộc vật chất, tuệ tri: "Tôi cảm giác lạc thọ thuộc vật chất"; hay khi cảm giác lạc thọ không thuộc vật chất, tuệ tri: "Tôi cảm giác lạc thọ không thuộc vật chất". Hay khi cảm giác khổ thọ thuộc vật chất, tuệ tri: "Tôi cảm giác khổ thọ thuộc vật chất"; hay khi cảm giác khổ thọ không thuộc vật chất, tuệ tri: "Tôi cảm giác khổ thọ không thuộc vật chất". Hay khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ thuộc vật chất, tuệ tri: "Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ thuộc vật chất"; hay khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ không thuộc vật chất, tuệ tri: "Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ không thuộc vật chất". Như vậy, vị ấy sống quán thọ trên các nội thọ; hay sống quán thọ trên các ngoại thọ; hay sống quán thọ trên các nội thọ, ngoại thọ. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các thọ, hay sống quán tánh diệt tận trên các thọ; hay sống quán tánh sanh diệt trên các thọ. "Có thọ đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy Tỷ-kheo sống quán thọ trên các thọ.”
Khi thực tập niệm Thọ được thuần thục hành giả cũng thấy được bản chất của thọ là vô thường, vô ngã. Sự có mặt của Thọ là sự hợp thành nhiều yếu tố, có khi là do ngoại cảnh tác động làm nên, có khi do yếu tố xã hội hoặc học đường, gia đình.v.v… khi nhìn thấy được nguyên nhân của sự phát sinh cảm thọ, hành giả liền chuyển hóa được năng lượng bất an của tâm mình.
Như vậy ta có thể thấy rằng quán niệm thọ cũng là đồng nghĩa với chúng ta đang nhận diện tâm hành của mình. Thọ là kết quả của thân và tâm. Từ yếu tố vật lý hoặc tâm lý tác động vào tạo cho ta một trạng thái của lạc thọ hoặc khổ thọ và có khi cảm thọ đó ở trạng thái vô ký(xả thọ). Vì vậy ta cần phải quán niệm về tâm của mình.
·         Quán tâm: theo duy thức học thì tâm chúng ta có đến 51 tâm hành, nhưng nếu nói gọn lại thì có 3, đó là tham, sân và si. Để dễ hơn trong sự quán niệm thì tâm được phân định thành “ngũ triền cái”, tức là: tham, sân, trạo cử, hôn trầm và tán loạn. Một hành giả cần phải biết tâm của mình đang ở trạng thái nào của 5 loại trên. Vì sao ta phải quán tâm? Chư tổ diễn tả về tâm như sau:
Tam điểm như tinh tượng
Hoành câu tợ nguyệt tà
Phi mao tùng đới giác
Tố phật giả do tha.
Con người thành bật thánh hiền hay kẻ vô đạo cũng là do tâm thức dẫn dắt mà nên, vào núi đao hỏa đồ hay thành Phật, Bồ tát cũng do cách dụng tâm trong đời sống của chúng ta. Trong  kinh Pháp cú số 1 và 2- phẩm Song Yếu trình bày:
Tâm dẫn đầu các pháp
Tâm làm chủ, tâm tạo
Nếu với tâm ô nhiễm
Nói lên hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như xe, chân vật kéo

Tâm dẫn đầu các pháp
Tâm làm chủ, tâm tạo
Nếu với tâm thanh tịnh
Nói lên hay hành động
An lạc bước theo sau
Như bóng, không rời hình.
Chính vì sự quyết định ấy của tâm nên mục đích chính của một hành giả tu Phật là quản  lý tâm cho chuyên nhất, giống như người lính giữ thành vậy, không một phút sao lãng. Để điều phục được tâm, Đức Phật đã thiện xảo hướng dẫn đệ tử mình khéo điều thân trước, như vậy khi quán tâm hành giả dễ dàng nhận biết được các trạng thái của tâm diễn ra và điều phục được chúng. Đây là một trình tự đầy thong minh của Đức Thế Tôn, vì rằng tâm tánh của chúng ta rất ư là diêu động, như ông bà ta thường nói “gian  sơn dễ đổi, bản tánh khó dời”, điều này không quá chút nào, nếu không phải bậc trí tuệ như Đức Phật thì thật khó lòng chuyển hóa tâm thức của  chúng sanh đã nhiều đời “siêng” trồng các nghiệp xấu. Phật dạy:
Này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo sống quán tâm trên tâm? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo, với tâm có tham, tuệ tri: "Tâm có tham"; hay với tâm không tham, tuệ tri: "Tâm không tham". Hay với tâm có sân, tuệ tri: "Tâm có sân" hay với tâm không sân, tuệ tri: "Tâm không sân". Hay với tâm có si, tuệ tri: "Tâm có si"; hay với tâm không si, tuệ tri: "Tâm không si". Hay với tâm thâu nhiếp, tuệ tri: "Tâm được thâu nhiếp". Hay với tâm tán loạn, tuệ tri: "Tâm bị tán loạn". Hay với tâm quảng đại, tuệ tri: "Tâm được quảng đại"; hay với tâm không quảng đại, tuệ tri: "Tâm không được quảng đại". Hay với tâm hữu hạn, tuệ tri: "Tâm hữu hạn". Hay với tâm vô thượng, tuệ tri: "Tâm vô thượng". Hay với tâm có định, tuệ tri: "Tâm có định"; hay với tâm không định, tuệ tri: "Tâm không định". Hay với tâm giải thoát, tuệ tri: "Tâm có giải thoát"; hay với tâm không giải thoát, tuệ tri: "Tâm không giải thoát".
Như vậy vị ấy sống quán tâm trên nội tâm; hay sống quán tâm trên ngoại tâm; hay sống quán tâm trên nội tâm, ngoại tâm. Hay sống quán tánh sanh khởi trên tâm; hay sống quán tánh diệt tận trên tâm; hay sống quán tánh sanh diệt trên tâm. "Có tâm đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán tâm trên tâm.”
Khi sáu căn tiếp xúc với sáu  trần con người thường sanh ra vướng mắc với các pháp trần, từ đó khởi tâm ái luyến và chấp thủ. Tâm chấp thủ càng mạnh thì đồng nghĩa với vô minh càng lớn. Do đây  mà có khổ đau và sinh tử trong ba nẻo sáu đường. Đối với người đã rõ được nguồn tâm, thấu triệt các pháp thì họ sống như mây như gió không vướng bận vào pháp trần, không hệ lụy vào thương yêu, được mất.
“Nhạn quá trường không, ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý, thủy vô lưu ảnh chi tâm”
Đó là thành quả của một quá trình tu tập, thấy được tâm cũng vốn vô thường sinh diệt. Vì sao? Vì đó là vọng tâm. Những hành tướng của tâm như: tham, sân, hôn trầm, trạo hối, nghi ngờ và tán loạn là sự sinh khởi khi có điều kiện vào một thời điểm nào đó mà thôi. Quán niệm Tâm là chỉ đơn thuần nhận biết trạng thái của tâm và quan sát quá trình sinh và diệt của chúng mà không chạy theo chúng, khi đó hành giả chỉ đóng vai trò là người quan sát viên mà không phải can thiệp vào sự sinh diệt của tâm. Trong một bài sám có câu:
Khi sáu căn tiếp xúc sáu trần
Đem ý thức  tinh chuyên phòng hộ
Tập khí năm xưa giờ chuyển hóa
Vườn tâm hoa tuệ nở xanh tươi.
·         Quán pháp: Trên đây là trình tự quán niệm của Thân, Thọ và Tâm, giờ tiếp đến là quán về Pháp. Dĩ nhiên trong khi tu tập một hành giả phải khéo sử dụng các đề mục sao cho phù hợp với hoàn cảnh và thân tâm của  mình mà không phải nhứt nhứt theo thứ tự của kinh.
Quán Pháp là quán niệm trên các đội tượng như năm triền cái, năm thủ uẩn, bảy giác chi, tứ thánh đế, sáu nội xứ. Đây là những pháp giúp một hành giả đi đến liễu tri các pháp, hay nói theo tinh thần của “tứ diệu đế” thì đây là “đạo đế”- con đường đi đến “diệt đế”.
Trong chánh kinh Phật dạy vấn đề này khá rõ ràng:
 “Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với năm triền cái. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với năm triền cái? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo nội tâm có ái dục, tuệ tri: "Nội tâm tôi có ái dục"; hay nội tâm không có ái dục, tuệ tri: "Nội tâm tôi không có ái dục". Và với ái dục chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với ái dục đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với ái dục đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy. Hay nội tâm có sân hận, tuệ tri: "Nội tâm tôi có sân hận"; hay nội tâm không có sân hận, tuệ tri: "Nội tâm tôi không có sân hận". Và với sân hận chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với sân hận đã sanh, nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với sân hận đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy. Hay nội tâm có hôn trầm thụy miên, tuệ tri: "Nội tâm tôi có hôn trầm thụy miên"; hay nội tâm không có hôn trầm thụy miên, tuệ tri: "Nội tâm tôi không có hôn trầm thụy miên". Và với hôn trầm thụy miên chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với hôn trầm thụy miên đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với hôn trầm thụy miên đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy. Hay nội tâm có trạo hối, tuệ tri: "Nội tâm tôi có trạo hối"; hay nội tâm không có trạo hối, tuệ tri: "Nội tâm tôi không có trạo hối". Và với trạo hối chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với trạo hối đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với trạo hối đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy. Hay nội tâm có nghi, tuệ tri: "Nội tâm tôi có nghi"; hay nội tâm không có nghi, tuệ tri: "Nội tâm tôi không có nghi". Và với nghi chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với nghi đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với nghi đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy.
Như vậy vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp. "Có những pháp ở đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với năm triền cái.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với năm thủ uẩn. Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với năm thủ uẩn? Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo suy tư: "Đây là sắc, đây là sắc tập, đây là sắc diệt. Đây là thọ, đây là thọ tập, đây là thọ diệt. Đây là tưởng, đây là tưởng tập; đây là tưởng diệt. Đây là hành, đây là hành tập, đây là hành diệt. Đây là thức, đây là thức tập, đây là thức diệt". Như vậy, vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp. "Có những pháp ở đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với năm thủ uẩn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với sáu nội ngoại xứ. Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với sáu nội ngoại xứ? Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo tuệ tri con mắt và tuệ tri các sắc, do duyên hai pháp này, kiết sử sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy... tuệ tri tai và tuệ tri các tiếng... tuệ tri mũi và tuệ tri các hương... tuệ tri lưỡi... và tuệ tri các vị... tuệ tri thân và tuệ tri các xúc, tuệ tri ý và tuệ tri các pháp; do duyên hai pháp này, kiết sử sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy. Như vậy vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp. "Có những pháp ở đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với sáu nội ngoại xứ.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Bảy Giác chi. Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Bảy Giác chi? Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo nội tâm có niệm giác chi, tuệ tri: "Nội tâm tôi có niệm giác chi"; hay nội tâm không có niệm giác chi, tuệ tri: "Nội tâm tôi không có ý niệm giác chi". Và với niệm giác chi chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy, và với niệm giác chi đã sanh, nay được tu tập viên thành, vị ấy tuệ tri như vậy. Hay nội tâm có trạch pháp giác chi... (như trên)... hay nội tâm có tinh tấn giác chi... (như trên)... hay nội tâm có hỷ giác chi... (như trên)... hay nội tâm có khinh an giác chi... (như trên)... hay nội tâm có định giác chi... (như trên)... hay nội tâm có xả giác chi, tuệ tri: "Nội tâm tôi có xả giác chi"; hay nội tâm không có xả giác chi, tuệ tri: "Nội tâm tôi không có xả giác chi". Và với xả giác chi chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy, và với xả giác chi đã sanh nay được tu tập viên thành, vị ấy tuệ tri như vậy. Như vậy vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp. "Có những pháp ở đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Bảy Giác chi.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị ấy sống quán pháp trên các pháp đối với Bốn Thánh đế. Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Bốn Thánh đế? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo như thật tuệ tri: "Đây là Khổ"; như thật tuệ tri: "Đây là Khổ tập"; như thật tuệ tri: "Đây là Khổ diệt"; như thật tuệ tri: "Đây là Con đường đưa đến Khổ diệt". Như vậy, vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp. "Có những pháp ở đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Bốn Thánh đế”.
Như vậy ta thấy, Tứ Niệm Xứ là hành trình độc nhất để hành thiền, một pháp môn giác ngộ giải thoát khỏi dòng bôc lưu sanh tử. Chúng ta đã biết dòng tâm thức luôn trôi chảy không ngừng nghỉ, đó là biến thể của chơn tâm; vậy làm sao loại ra biến  thể đó tức là xa lìa vọng tâm chỉ nắm bắt ròng chơn tâm. Theo duy thức học hay tâm lý thường thức, sáu căn (nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý) kết hợp với sáu trần sanh ra lục thức hay là tâm thức còn gọi là lục tặc hay vọng tâm. Vọng tâm hay dòng tâm thức luôn trôi chảy là cái đang là không thể nắm bắt được. Chỉ có thực tại điểm thực có trong động tác đang là thì tuệ tri có thể nhắm trúng và bắt gặp tại đó là lúc đó mà thôi (điểm sát na hiện tiền: vô thời không). Thí dụ, thấy con bò đang đến, ta tuệ tri (Biết) có tánh thấy, tức nhiên là khi tuệ tri ngay một thực tại điểm đến (tại điểm đến tại đó và lúc đó mà thôi) trong cái đang đến, vì cái con bò đang đến là những điểm sanh diệt từng sát na liên tục. Do đó thấy con bò đến thì ta biết có tánh thấy tại một điểm đến mà thôi. Cái biết đó trong một chớp mắt, thấy biết bình đẳng, cái biết ấy kể như một  điểm không có thời gian. Biết đó cũng gọi là chơn tâm vì không có thời gian để tâm thức trôi chảy mà có ái thủ hữu, có quan niệm thiện ác v.v..., hay có tư tưởng vọng tâm. Cái biết đó thật thanh tịnh, không động, không rung chuyển, là một điểm có thật trong dòng tâm thức (vọng tâm) và đã loại vọng tâm rồi; đó là tuệ tri (hay chơn tâm). Từ những giá trị vô giá đó của Kinh, chúng ta thấy được rằng việc giác ngộ không phải là sự cầu khẩn, van xin mà là một sự thay đổi về cái nhìn của thực tại về thân tâm và cũng như vạn pháp. Sự giác ngộ ấy không nằm ngoài tấm thân tứ đại này và dĩ nhiên từ trong thân này đi tìm lấy  giác ngộ cũng không ra. Hay nói khác hơn, Phật tánh không nằm trong mà cũng không năm ngoài sắc thân này, Phật tánh là giây phút hiện tại đang diễn ra như thể nó đang  là.!
Để khẳng định một lần nữa tầm quan trọng của tứ niệm xứ - con đường duy nhất đưa đến sự giải thoát và giác ngô, đức phật đã đúc kết lại như sau và không thể thấy một lời kết nào hay hơn thế nữa cho bài viết nên tạm mượn lời Phật kết luận luôn cho bài viết vậy.
Này các Tỷ-kheo, vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này như vậy trong bảy năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn. Này các Tỷ-kheo, không cần gì đến bảy năm, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này như vậy trong sáu năm, trong năm năm, trong bốn năm, trong ba năm, trong hai năm, trong một năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn. Này các Tỷ-kheo, không cần gì đến một năm, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này trong bảy tháng, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn. Này các Tỷ-kheo, không cần gì bảy tháng, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này trong sáu tháng, trong năm tháng, trong bốn tháng, trong ba tháng, trong hai tháng, trong một tháng, trong nửa tháng, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn. Này các Tỷ-kheo, không cần gì nửa tháng, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này trong bảy ngày, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hai là nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn... Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu Chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Đó là Bốn Niệm xứ”.


* phần chữ in nghiên là trích từ chánh kinh của Kinh Trung Bộ, tập 1- Kinh Tứ Niệm Xứ

0 nhận xét: