Ads 468x60px

Nhớ Cha- ngày Giỗ đầu

Thấm thoát ấy vậy mà đã 2 năm trôi qua, cha đã ra đi và mãi an nghỉ một nơi, nơi đó chỉ có thể tìm thấy ở trong con tim của những đứa con mất cha. Thời gian tuy có trôi chảy nhưng tình thương và kỷ niệm với người cha thân yêu thì cứ mãi đi về, nhìn lại ngôi nhà với những  cái bàn, cái ghế và những cánh cửa đã ngày một muốn hỏng là lòng con nhìn thấy bóng dáng cha in đậm vào trong những cái hữu hình ấy.

“ Thu đi để lại lá vàng, cha đi để lại muôn ngàn nhớ thương!”. Sự thương nhớ đó giờ chỉ còn lại với những mùi khói nhan cuộn theo biết bao là sự trống vắng hình cha!
Lần theo con đường để đến bên mộ cha, cảnh vật thấy sao mà im lặng quá, những ngôi mộ tuy ngày một nhiều nhưng đều cùng một nhịp điệu buồn và cô tịch. Những con người đã có mặt ở cuộc đời này rồi cuối cùng lại không hẹn mà gặp nhau tại chỗ u buồn như thế này sao?
Nhìn những ngôi mộ người ta chỉ biết có một điều đó là nơi an nghỉ cuối cùng của kiếp người chứ mấy ai nhìn sâu vào sự ra đi của một đời người rồi tự hỏi họ đã đem theo được những gì? Những năm tháng oằn vai lao nhọc vì con, lo cho cuộc sống của con và cơ nghiệp gia đình, chưa biết là thành công được bao nhiêu, song tất cả quảng thời gian đó con người phải đối phó với bao là vui buồn được mất. Thế rồi đến ngày ra đi có đem theo được của cải nào đâu, chỉ có mang theo một tâm trạng vui buồn, một sự tạo tác trở thành thói quen gọi là “nghiệp”. Nghiệp là cái còn lại mà một đời người mang theo sau khi từ giã cõi đời này. Vấn đề cần suy tư là chỗ này đây, ai rồi cũng phải chết, nhưng ta đã chuẩn bị được gì cho cái ngày “mà không ai muốn”  đó, để khi ra đi có một hành trang đầy đủ tư lương mà dùng, không phải là những cái nặng oằng vai như khi còn sống!
  Do vậy, khi còn sống ta phải biết ‘đăm chiêu” về vấn đề này mỗi ngày để tìm một câu trả lời đúng nhất cho một đời sống tiếp theo của chúng ta!